Kinh nghiệm khởi nghiệp - GIỚI THIỆU VỀ CHRIS ANDERSON
GIỚI THIỆU VỀ CHRIS ANDERSON
Chris Anderson có một tài năng đặc biệt. Ngoài việc sở hữu giác quan thứ sáu về tư duy tiên phong cho phép ông dự đoán và tận dụng các động thái và các sản phẩm được tạo ra để thay đổi thông tin, Chris còn là một người phụ trách tài năng về bản chất con người. Ông tập hợp niềm đam mê của một số người tài năng nhất thế giới thông qua hội thảo TED thay vì những cuộc gặp mặt phức tạp giữa các chuyên gia về chính trị, nghiên cứu khoa học kinh tế học, và văn hóa đại chúng. Bằng cách quảng bá TED talks tới hàng triệu người qua Internet, ông đã cách mạng hóa cách thông thường mọi người truy cập và tương tác với thế giới "ý tưởng lớn", thứ đã trực tiếp hoặc gián tiếp định hình cuộc sống của họ.
TED từng là một hội thảo quy mô nhỏ, chỉ những người có giấy mời mới được đặc quyền tham dự. Khi Chris lần đầu tham gia chương trình vào năm 1998, tổng số khán giả chỉ khoảng một trăm người. Đến nay, một thập kỷ sau khi có được TED, Chris đã mở rộng quy mô và thương hiệu của hội thảo một cách đáng kể, xây dựng hội thảo thành một trong những nền tảng kỹ thuật số quan trọng nhất của phương tiện truyền thông hiện đại và tiếp cận với hàng triệu tín đồ đam mê.
Các doanh nhân năng động có thể học hỏi rất nhiều từ cẩm nang của Chris. Cuộc đổi mới tiên phong của ông đằng sau thành công của TED chính là ông đã xác định lại sự phân phối và khả năng tiếp cận bằng cách chỉ ra làm thế nào để khiến phương tiện truyền thông tăng lên gấp bội cả về thông điệp và điểm mấu chốt.
CÂU CHUYỆN CỦA CHRIS
Chris Anderson là một công dân toàn cầu thực sự, và ông cũng từng trải nghiệm trọn vẹn như một doanh nhân khởi nghiệp. Ông lớn lên ở Pakistan, Ấn Độ, và Afghanistan cho tới khi 13 tuổi thì ông vào một trường nội trú ở Anh. Từ đó ông theo học tại Đại học Oxford, ban đầu ông chọn chuyên ngành vật lý học nhưng sau đó lại tốt nghiệp vói tấm bằng cử nhân triết học. Cuối cùng, tập hợp những niềm đam mê ấy đã thôi thúc ông trở thành một phóng viên khoa học.
Năm 1984, Chris bắt đầu tập trung vào máy tính. Ông đã chia sẻ với khán giả của TED rằng "Tôi là một phóng viên khoa học chuyên bị mọi người cười nhạo khi tôi nói rằng "Tôi thực sự mong muốn sẽ sáng lập được tạp chí máy tính của riêng mình". "15 năm sau tôi đã tạo ra hàng trăm tạp chí máy tính." Thời vận của Chris đến là khi niềm đam mê của ông với thế giới xuất bản, công nghệ, khoa học và máy tính đã quy tụ, và ông chính là người đi đầu trong việc tạo ra một trong những đế chế xuất bản công nghệ đầu tiên.
Chris Anderson: Vào giữa những năm 80, máy tính hộ gia đình (home computer) trở nên phổ biến, do vậy tạp chí của tôi cũng đã được rất nhiều người mua. Chưa bao giờ có điều gì làm tôi vui mừng đến vậy.
Rõ ràng là máy tính sẽ còn phát triển và tiên tiến hơn rất nhiều. Sản xuất các tạp chí khai thác niềm đam mê về máy tính chính là điểm khởi đầu cho tôi. Điều đó có nghĩa là ngay từ đầu, cuốn tạp chí mà tôi định cho ra đời sẽ chỉ chuyên về một loại máy tính. Đã từng có một số tạp chí máy tính trên thị trường, nhưng hầu hết chúng đều không có ích với người đọc. Vào lúc đó, mỗi người chỉ có một chiếc máy tính và các chương trình được viết cho tính này không hoạt động được trên máy tính khác. Do vậy thật là tuyệt vời nếu bạn có một tạp chí chỉ chuyên về máy tính của mình. Đối với tôi, có một sự khác biệt rất lớn giữa việc một người tình cờ xem lướt qua một thứ gì đó với một người có cảm giác họ phải chạy đi mua ngay vào ngày xuất bản. Bất cứ nơi nào bạn thấy được niềm đam mê thực sự nghĩa là ở đó có điều gì đó đáng để khám phá.
Nhiều người cho rằng việc tôi đang làm thật vô vị, nhưng đây là những cuốn tạp chí theo sở thích, chứ không phải tạp chí Time, Life hay Vogue. Có thể chúng là những cuốn tạp chí vô vị với nhiều người, nhưng đối với những độc giả được hướng tới thì chúng lại quý như vàng. Khẩu hiệu của công ty chúng tôi là "truyền thông song hành với đam mê". Thay vì việc tạo ra mọi đặc tính để thu hút nhiều độc giả thì sau khi suy tính kỹ càng, chúng tôi quyết định chỉ tạo ra một số đặc tính thu hút sự quan tâm của một nhóm người cụ thể. Điểm mấu chốt là biến các tạp chí này thành một nhu cầu không thể thiếu với những người này, và do vậy chúng tôi có thể tính giá bìa cao, tần suất quảng cáo lớn, v.v…"
Chris giã từ bước khởi nghiệp đầu tiên với nghề xuất bản của mình, Future Publishing, và bán nó cho Pearson bảy năm sau khi thành lập. Sau đó ông chuyển tới Hoa Kỳ, nơi ông đã tìm thấy bước khới nghiệp thứ hai, Imagine Media3. Sản phẩm hàng đầu của công ty mới này là tạp chí Business 2.0. Ngày nay, khi nhìn lại cuốn tạp chí này, Chris coi nó như một sự "ngông cuồng" muốn bứt phá thế giới công nghệ lúc bấy giờ. Như ông đã nói trong hội nghị TED Business 2.0, "dày như một cuốn danh bạ điện thoại, bơm khí nóng vào trong quả bóng công nghệ". Với độ căng của quả bóng đó, Imagine đã đạt tới ngưỡng thị trường ở mức trên 2 tỉ đôla. Sau đó quả bóng nổ tung. Vào tháng Hai năm 2001, Imagine sa thải 350 người trong một ngày. Chris phải xoay xở để giữ thế cân bằng cho công ty, nhưng ông vẫn sẵn sàng đối mặt với thử thách lớn tiếp theo. Trong khi tìm kiếm nỗ lực mới, ông đã lại nghĩ tới một hội thảo truyền cảm hứng mà ông đã từng tham gia vài năm trước, chính là hội thảo TED.
Thông qua tổ chức phi lợi nhuận Sapling Foundation của mình, Chris đã mua lại TED vào năm 2002. Năm 2006, ông đã bước đầu thấy được việc số hóa và phân phối các kho dự trữ TED miễn phí sẽ giúp giải phóng động lực đặc biệt mới mẻ cho hội thảo.
Việc những người thường xuyên tham dự TED quan tâm rất nhiều đến hội nghị này khiến tôi không khỏi băn khoăn rằng liệu những người không được tham gia có quan tâm hay không nếu họ được tiếp cận với nó. Chúng tôi đã không tìm thấy câu trả lời trong nhiều năm vì không thể phân phối nội dung của TED ra ngoài. Truyền hình không được ưa chuộng, do đó không có cách nào để phân phối nội dung những bài phát biểu trên quy mô lớn.
Sau đó, video trực tuyến xuất hiện và chúng tôi đã thử thực hiện một vài thử nghiệm.
Con số không bùng nổ ngay lập tức, nhưng từ những phản hồi đầu tiên sau khi các bài phát biểu được đưa đến với công chúng, rõ ràng là chúng tạo ra một cảm giác rất xúc động nơi người đọc. Một người phụ nữ đã viết thư cho chúng tôi nói rằng: "Tôi đang vừa xem vừa khóc khi họ kể câu chuyện về cuộc đời họ". Một người khác nói rằng: "Sau khi cùng nhau xem bài phát biểu này, tôi và đứa con 15 tuổi của tôi đã có một cuộc trò chuyện ý nghĩa nhất trong vòng năm năm nay".
Sau khi đọc hết các phản hồi từ người đọc, bạn sẽ nhận thấy một bầu không khí sục sôi xung quanh. Có thứ gì đó thực sự lý thú và đầy nhiệt huyết. Vào thời điểm đó, thật đáng để cho chúng tôi chuyển mọi hướng kinh doanh nhằm vào việc truyền tải các bài phát biểu. Làm đúng cách, đó có thể là một con số khổng lồ.
Chris đã đúng. Hàng trăm triệu người đã xem TED Talks trực tuyến. Giờ đây, ông đang tìm cách để thu hút người xem hơn nữa.
Niềm đam mê là một đại diện cho tiềm năng
Lời khuyên truyền thống là "đi theo đam mê của bạn"; Tôi không hề nói điều này. Từ quan điểm kinh doanh – cơ hội, thì việc dõi theo đam mê của người khác thậm chí còn quan trọng hơn. Thường có những trường hợp khi một điều gì đó chưa xảy ra, nhưng bạn đã nhìn thấy tia hy vọng lóe lên trong mắt ai đó và bạn có thể cảm nhận họ quan tâm đến điều đó nhường nào. Điều đó có thể đại diện cho cơ hội. Thứ đam mê ấy là một đại diện cho tiềm năng.
Cộng đồng là đòn bẩy cho một vòng xoáy trôn ốc
Bí quyết để khởi nghiệp thành công chính là thuyết phục được người khác cùng thực hiện công việc đó, gắn kết họ với niềm đam mê truyền bá cho sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Trong một số lĩnh vực kinh doanh, bạn có thể làm được hơn thế: một hiệu ứng kiểu mạng lưới giúp ý tưởng nhỏ bé của bạn lan truyền rộng rãi trong một thời gian ngắn. Điều này có thể dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả danh tiếng của bạn. Bạn càng thành công, sẽ càng có nhiều người tài muốn đến và làm việc cho bạn hay đơn giản là nâng tầm địa vị cho bạn. Kết quả là vòng xoáy trôn ốc đưa bạn tới một vị trí tốt hơn.
Xây dựng một thị trường riêng trong khi vẫn duy trì việc thu hút trong các mảng khác
Những ý tưởng có sức thuyết phục phải là sự kết hợp một loạt các lĩnh vực. Chúng phải gắn kết với công nghệ một cách thông minh, nhưng cũng phải đáp ứng nhu cầu thị trường, và tâm lý khách hàng. Nhưng thế vẫn chưa đủ để một sản phẩm trông có vẻ "hay". Ý tưởng phải được trình bày một cách độc đáo sao cho một nhóm người cảm thấy cực kỳ hào hứng với nó. Và rồi họ sẽ nói với những người khác, đó chính là cách lan truyền sản phẩm.
PHÁT TRIỂN KHÁCH HÀNG
Nắm được mối quan tâm của khách hàng
Cho dù khách hàng của bạn luôn nhiệt tình cam kết thực hiện đề nghị của bạn, nhưng họ cũng rất dễ dàng quay lưng lại do nhiều nguyên nhân như: sự kiêu ngạo, chuyển đổi công nghệ hay một ai đó đưa ra gợi ý tốt hơn. Thử xem xét điều gì xảy ra với ngành kinh doanh tạp chí khi mạng Internet xuất hiện. Đột nhiên, những người luôn nhiệt tình cam kết với các tạp chí trò chơi điện tử bắt đầu lấy thông tin trên mạng. Những thông tin ấy ở ngay đó, theo yêu cầu, miễn phí, và niềm đam mê của họ dành cho các tạp chí trò chơi điện tử dần bị mất đi. Để tránh bị bất ngờ bởi sự thay đổi này, bạn phải thường xuyên chú ý tới mối quan tâm chủ yếu của cộng đồng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn và thay đổi sản phẩm của bạn sao cho phù hợp với nhu cầu của họ.
THẤT BẠI
Sợ thất bại sẽ đem lại quyết tâm
Khi trải qua một thất bại thực sự, bạn sẽ rút ra được bài học từ thất bại đó và tiếp tục đi tiếp. Nhưng khi bạn bị đe dọa với viễn cảnh thất bại, đó sẽ là nguồn động lực lớn. Nó thôi thúc bạn phải quyết tâm hơn nữa, và không có việc dự đoán nguy cơ thất bại nào tốt hơn cho việc chuẩn bị thật kỹ lưỡng để kịp đối phó khi nó xảy ra.
LÃNH ĐẠO
Đừng đưa ra những quyết định quan trọng vào thời điểm khó khăn
Khi bạn đang trong tình trạng căng thẳng cao độ, bạn hay đưa ra một số quyết định liều lĩnh như: "Chúng ta sẽ phải đóng cửa thôi" hay "Chúng ta sẽ phải chơi một canh bạc lớn". Nhưng những lúc mệt mỏi và nản chí, bạn không thể tư duy để đưa ra quyết định sáng suốt. Chiến lược đúng đắn là hãy tìm cách vượt qua giai đoạn này, chọn cho mình một nơi thích hợp, trấn tĩnh lại, suy nghĩ thấu đáo và đưa ra quyết định quan trọng khi bạn sáng suốt nhất.
MARKETING
Đặt tên thương hiệu không quá tám từ
Bạn cần chắc chắn rằng đối tượng khách hàng mà sản phẩm của bạn nhắm đến có thể "cảm nhận được" nó thật nhanh chóng. Nếu bạn không thể đặt tên thương hiệu của mình chỉ trong khoảng ba đến tám từ thì coi như bạn thất bại. Chẳng hạn như năm 1998 chúng tôi có ý tưởng cho ra đời một tạp chí mới cho doanh nghiệp vào thời đại Internet. Ý tưởng đó thật thú vị và chúng tôi đã nhận được phản hồi tích cực, nhưng rồi lại không tìm được tên thích hợp cho sản phẩm đó. Sau đó, tôi đã nói chuyện đó với Jeff Bezos (người sáng lập Amazon) tại TED, đưa ra một số ý tưởng như Business 2000 hay New Business. Ông ấy đã đưa ra gợi ý Business 2.0, và chỉ trong giây lát, tôi nhận ra rằng cái tên đó hoàn toàn phù hợp.
TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH
Theo đuổi hai ý tưởng lớn mỗi năm
Mỗi năm, bạn nên chọn ra hai ý tưởng lớn có ý nghĩa như sự mở rộng sứ mệnh của bạn một cách hợp lý. Với chúng tôi, sự mở rộng sứ mệnh gần đây nhất chính là chương trình TEDed. Nếu định lan truyền ý tưởng, liệu bạn có muốn tập trung vào những người còn có quá nhiều mối bận tâm khác trong đầu và những người còn có cả cuộc đời dài phía trước để tiếp nhận những ý tưởng không? Ngay bây giờ, chúng tôi đang tập trung trẻ hóa đối tượng và biến điều đó thành hiện thực.
QUAN HỆ CÔNG CHÚNG
Xây dựng danh tiếng của bạn thông qua tính minh bạch
Hàng tỷ người hiện nay đang kết nối trực tuyến như vậy, nghĩa là danh tiếng có thể bay quanh thế giới chỉ trong nháy mắt. Dù đó là tiếng tốt hay xấu, nó cũng được lan truyền hết sức nhanh chóng. Lan truyền tiếng tăm tích cực đòi hỏi bạn phải tiết lộ cái gì đó mà theo truyền thống, đó sẽ là thứ bản thân bạn cực kỳ trân trọng. Có thể 10 năm trước nó đáng được bạn nâng niu, nhưng giờ nó không còn đáng để làm như vậy nữa. Danh tiếng của bạn lan truyền còn nhanh hơn cả khả năng đối thủ của bạn khai thác thông tin bạn đã để rò rỉ. Chẳng hạn như trường hợp của chúng tôi, chúng tôi đã tổ chức một sự kiện lớn và tốn rất nhiều kinh phí, nhưng việc tiết lộ toàn bộ nội dung sự kiện đó không hề hủy hoại nó mà còn làm tăng nhu cầu.
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM
Đừng ngại chia sẻ
Như tôi đã nói, quy luật về thứ mà bạn có thể giữ lại và thứ mà bạn nên chia sẻ có thể hoán đổi. Nếu một thứ đó có thể được chia sẻ bằng kỹ thuật số thì trong hầu hết các trường hợp bạn nên làm như vậy. Hãy xem điều gì đã xảy ra trong ngành công nghiệp âm nhạc. 20 năm trước, cả đĩa CD và các buổi hòa nhạc đều đã xuất hiện và chi phí đắt gần ngang nhau. Ngày nay, chi phí cho nhạc kỹ thuật số đã được giảm xuống tới mức không và buổi hòa nhạc với mức giá 100 đôla. Đó thực sự là một thay đổi cơ bản trong tuyên ngôn về giá trị. Mặc dù điều đó có vẻ như đang làm mất dần giá trị nhưng chia sẻ nội dung kỹ thuật số thực sự đã tạo ra nhu cầu.
Nhận xét
Đăng nhận xét